Trầy trật vay tiền mua nhà
Hơn 8 tháng kể từ khi Chính phủ ban hành gói tín dụng 30.000 tỉ đồng ưu đãi lãi suất dành cho người thu nhập thấp vay mua nhà và doanh nghiệp bất động sản (BĐS) có hiệu lực, đến nay, tốc độ giải ngân chỉ đạt hơn 7,7%. Trong khi đó, nhiều người lại chấp nhận vay tiền mua nhà từ ngân hàng (NH) thương mại với lãi suất cao thay vì trầy trật để được hưởng ưu đãi từ gói tín dụng này.
Quá ít sự lựa chọn
Anh Phạm Văn Dũng - ngụ quận 12, TP HCM - cho biết vừa vay một NH 400 triệu đồng mua căn hộ với lãi suất thị trường dù anh đủ điều kiện vay ưu đãi gói 30.000 tỉ đồng. Căn hộ anh mua lại từ một người khác với giá hơn 800 triệu đồng, diện tích 48 m2. Lãi suất vay NH là 9%/năm trong 3 tháng đầu, 9 tháng tiếp theo là 12%/năm. Từ năm thứ 2 trở đi, lãi vay tính bằng lãi suất huy động tháng 13 cộng 4%.
Chúng tôi hỏi sao không chọn vay ưu đãi để hưởng lãi suất chỉ 5%/năm trong 10 năm, anh Dũng thổ lộ: “Bạn bè tôi đã hỏi và tiếp xúc các NH được chỉ định để vay nhưng thấy thủ tục nhiêu khê, nhân viên NH thì ậm ừ không muốn tiếp. Quan trọng hơn, gói này cho khách hàng cá nhân vay ưu đãi với diện tích căn hộ dưới 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 nhưng chỉ áp dụng với các dự án liên kết với NH”.
Dũng cho biết anh có đến xem một dự án ở huyện Hóc Môn, TP HCM - nơi đủ tiêu chuẩn được vay nhưng lại quá xa chỗ làm. “Dự án khác thì đường ngập nước, an ninh không tốt… Căn hộ nào đáp ứng được yêu cầu về diện tích, giá bán thì khách hàng không thích. Có quá ít dự án để lựa chọn, chưa nói đến khâu thủ tục”- anh Dũng băn khoăn.
Sau nhiều tháng chạy tới chạy lui công chứng, xác nhận thu nhập, chứng minh chưa có nhà, chị Nguyễn Thị Thanh - ngụ quận Thủ Đức, TP HCM - mới giải ngân được khoản vay từ gói 30.000 tỉ đồng. Chị vay 440 triệu đồng mua căn hộ dự án Ehome 4 (Thuận An, Bình Dương), diện tích 43 m2, giá 560 triệu đồng/căn và dự kiến sẽ nhận nhà vào tháng 5-2014.
“Ban đầu, vợ chồng tôi phải xác nhận thu nhập, sao kê lương qua tài khoản, hợp đồng lao động, sổ bảo hiểm… Quy định còn buộc khách hàng phải đóng BHXH tại tỉnh nơi dự án xây dựng, trong khi vợ chồng tôi đều làm việc tại TP HCM. May mắn là trụ sở chính của công ty ở Bình Dương nên tôi… qua được cửa này” - chị Thanh kể.
Tiếp đến, chị Thanh cần có KT3 hoặc tạm trú tại Bình Dương để phường, tổ dân phố nơi tạm trú xác nhận chưa có nhà ở. “Quy định này khiến nhiều người tạm trú ở TP HCM mua căn hộ Ehome 4 không được. Vậy là vợ chồng tôi phải vận dụng mối quan hệ, nhờ người thân cho tạm trú, phường mới xác nhận” - chị Thanh cho biết.
Trong vai người có nhu cầu vay mua nhà từ gói 30.000 tỉ đồng, chúng tôi đến Agribank Chi nhánh TP HCM. Nhân viên tín dụng cho biết hiện NH chỉ liên kết với dự án Cheery 3 ở huyện Hóc Môn của Công ty CP Thương mại Dịch vụ địa ốc Hoàng Quân. Nếu khách hàng mua căn hộ thuộc dự án này mới được vay ưu đãi! Các NH khác cũng chỉ liên kết với vài dự án, do đó khách hàng không có nhiều sự lựa chọn.
Phải điều chỉnh quy định, thủ tục
Giải thích về tốc độ giải ngân quá chậm, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng NH Nhà nước, cho rằng gói tín dụng chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân là do chúng ta kỳ vọng quá lớn. Trong khi đó, mục tiêu của gói này là phục vụ cho chiến lược phát triển nhà ở, hỗ trợ các đối tượng thu nhập thấp có nhà chứ không phải cứu thị trường BĐS. Đây chỉ là kênh tạo ra tác động thêm cho BĐS, Bộ Xây dựng và NH Nhà nước đã phối hợp giải ngân, tránh việc lợi dụng chính sách để trục lợi qua gói này.
“Nhiều người nói 2.000 căn hộ bán được từ gói này là thấp nhưng tôi cho là con số đáng kể, tốc độ giải ngân tháng sau cao hơn tháng trước là tốt rồi” - ông Mạnh nhận xét.
Về gói 30.000 tỉ đồng cho thị trường BĐS, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, TS Lê Xuân Nghĩa, cho rằng cần phải sửa đổi lại thủ tục, quy định. Có thể phải thay đổi tên “nhà ở xã hội” thành nhà ở phổ thông hoặc nhà cho người thu nhập thấp để tạo ra khuôn khổ người tiêu dùng rộng rãi hơn. Đồng thời, sửa lại cơ chế xác nhận đã có nhà ở thành cơ chế xác nhận nơi cư trú, nơi sống và tăng hạn cho vay lên 15 năm, giảm thêm lãi suất…
“Chính phủ sẽ quyết định các sửa đổi này trong quý I/2014 bởi liên quan đến Luật Xây dựng, Luật Nhà ở đang được sửa đổi trình Quốc hội” - ông Nghĩa nói.
Quá ít nguồn cung
Trong gói 30.000 tỉ đồng, 70% dành cho khách hàng cá nhân và 30% dành cho doanh nghiệp (DN) BĐS nhằm tăng cung cho thị trường. Đến cuối tháng 1-2014, NH Nhà nước đã xác nhận đăng ký của các NH BIDV, VietinBank, Agribank được ký hợp đồng tín dụng với 15 DN BĐS, tổng số tiền cam kết 1.501 tỉ đồng, trong đó giải ngân cho 10 DN (11 dự án) với số tiền 534 tỉ đồng. Đáng nói, trong số 15 DN được NH rót vốn này, TP HCM - thị trường BĐS lớn nhất cả nước - hiện chỉ có 1 DN được vay.
Hiệp hội BĐS TP HCM đã kiến nghị việc cho các dự án nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ dưới 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 đang xây dựng dở dang được vay gói tín dụng ưu đãi này. Các dự án dở dang nếu được tiếp vốn sẽ nhanh có sản phẩm ra thị trường hơn bởi hiện có quá ít dự án căn hộ dành cho người thu nhập thấp đáp ứng tiêu chí của gói tín dụng này.
Người Lao Động
Quá ít nguồn cung
Trong gói 30.000 tỉ đồng, 70% dành cho khách hàng cá nhân và 30% dành cho doanh nghiệp (DN) BĐS nhằm tăng cung cho thị trường. Đến cuối tháng 1-2014, NH Nhà nước đã xác nhận đăng ký của các NH BIDV, VietinBank, Agribank được ký hợp đồng tín dụng với 15 DN BĐS, tổng số tiền cam kết 1.501 tỉ đồng, trong đó giải ngân cho 10 DN (11 dự án) với số tiền 534 tỉ đồng. Đáng nói, trong số 15 DN được NH rót vốn này, TP HCM - thị trường BĐS lớn nhất cả nước - hiện chỉ có 1 DN được vay.
Hiệp hội BĐS TP HCM đã kiến nghị việc cho các dự án nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ dưới 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 đang xây dựng dở dang được vay gói tín dụng ưu đãi này. Các dự án dở dang nếu được tiếp vốn sẽ nhanh có sản phẩm ra thị trường hơn bởi hiện có quá ít dự án căn hộ dành cho người thu nhập thấp đáp ứng tiêu chí của gói tín dụng này.
Xem thêm