Xây mới sân bay Long Thành hay mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất?
350 nhà khoa học trong nước cho rằng, chỉ có xây mới sân bay Long Thành thì thị trường hàng không Việt Nam mới có cơ hội cạnh tranh và bứt phá trên trường quốc tế.
Theo Bộ GTVT, chi phí cho việc mở rộng sân bay tân Sơn Nhất sẽ hết khoảng 9,4 tỷ USD, trong khi xây mới sân bay Long Thành chỉ mất 7,7 tỉ USD.
Nhiều doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại Việt Nam cũng cho rằng, sân bay Tân Sơn Nhất nằm trong thành phố sẽ không thuận lợi cho phát triển cả về trước mắt và tương lai, cần dịch chuyển ra ngoài và lựa chọn tốt nhất vẫn là Long Thành, bởi chi phí sẽ là thấp nhất cho Việt Nam.
Sân bay Tân Sơn Nhất được xây dựng gần 40 năm qua, trên tổng diện tích hoạt động 800ha. Thiết kế ban đầu chỉ đáp ứng 9 triệu lượt khách mỗi năm. Năm 2013, đã lên tới 20 triệu lượt khách, gấp hơn 2 lần so với thiết kế ban đầu. Theo lãnh đạo Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất, hàng năm lượng khách tăng từ 12-14% trong khi không còn diện tích để mở rộng. Hệ quả, một số hãng hàng không quốc tế sau khi khảo sát thấy tình trạng quá tải, đã rút hoặc giảm chuyến bay đến Tân Sơn Nhất.
TS Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không Việt Nam, cho biết, theo tiêu chuẩn quốc tế, sân bay phải cách thành phố từ 20-60 km. Hiện tại, sân bay Tân Sơn Nhất nằm trọn trong nội thành, vừa ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân lại không đảm bảo an toàn cho hoạt động bay. Những bất cập này từ 10 năm trước đây, các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã chỉ ra nên mới có quy hoạch xây dựng sân bay Long Thành để thay thế.
Việc xây mới sân bay Long Thành không những rẻ hơn phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất gần 1,5 tỷ USD và sau năm 2020 với 25.000 ha thì sân bay Long Thành sẽ đáp ứng được việc tiếp tục mở rộng. Gần 800 doanh nghiệp hội viên Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam đã nêu quan điểm trong Sách Trắng năm 2014 khi cho rằng xây dựng sân bay Long Thành thay thế sân bay Tân Sơn Nhất là phương án tối ưu cho Việt Nam.
Ông Preben Hjorlund, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam phân tích: “Theo chúng tôi khi xây dựng sân bay mới không nhất thiết bằng nguồn ngân sách Nhà nước mà có thể kêu gọi hợp tác từ phía khu vực tư nhân. Chúng tôi là đại diện cho khu vực tư nhân thì chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ trong vấn đề tìm kiếm sự hợp tác từ tư nhân trong việc xây dựng sân bay”.
Hiện Chính phủ đã chuẩn bị phương án về vốn cho việc xây mới sân bay Long Thành. Ông Phạm Quý Tiêu, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết: “Ngoài các tính toán của Bộ GTVT về nguồn vốn ngân sách để GPMB và nguồn vốn vay của Nhật Bản mà Chính phủ đã có cam kết cho hạ tầng cơ sở, thì hiện nay các nhà đầu tư nước ngoài cũng rất quan tâm đến cơ chế đầu tư Long Thành. Ví dụ, toàn bộ ga hành khách có thể cho doanh nghiệp, dịch vụ cho tư nhân đầu tư”.
Nếu phương án xây mới Cảng Hàng không quốc tế Long Thành được Quốc hội thông qua, phải mất từ 6-7 năm nữa mới đi vào hoạt động và mới chia sẻ áp lực quá tải cho sân bay Tân Sơn Nhất. Khi đó, Việt Nam mới có cảng hàng không trung chuyển quốc tế để cạnh tranh vận tải hàng không với các nước.
Thiên Bảo
Theo VTV
Xem thêm